Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

CÔNG BÌNH

"Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Phải làm các điều này mà không được bỏ qua các điều kia". (Lc 11, 42)

 

Hà Nội khánh thành Cung trí thức trị giá 200 tỷ đồng
Sáng nay, Cung trí thức đặt tại khu đô thị Cầu Giấy (Hà Nội) đã được khai trương và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây sẽ là nơi làm việc của đội ngũ trí thức từ các hội, liên hiệp trên địa bàn.
Sau 6 năm thực hiện, Cung trí thức đã hoàn thành với 2 khối nhà (13 tầng và 3 tầng) tổng diện tích sàn gần 16.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 202 tỷ đồng. Cung có nhiều không gian chức năng như phòng trưng bày truyền thống, hội thảo, hội trường, khu làm việc, giao tiếp, căng tin... đảm bảo chỗ làm việc cho khoảng 1.500 người.
Theo ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố hiện có 129 hội và hiệp hội, phần lớn đang phải đi thuê trụ sở. Một số hội đã được cấp đất làm trụ sở song thiếu kinh nghiệm quản lý, đã làm biến đổi công năng dự án, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.
"Ý tưởng xây dựng một Cung trí thức nhằm tạo điều kiện để các cán bộ hội nghề nghiệp có trụ sở làm việc, phát huy nguồn tri thức quý báu của các chuyên gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tếLa, xã hội của thành phố", ông Bình nhấn mạnh.
Đoàn Loan
(http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/10/3BA21250/)

Giữa một thế giới thích hưởng thụ, xin cho con biết khiêm tốn phục vụ.
Giữa một thế giới đề cao chức vụ và bằng cấp, xin cho con âm thầm hiến dâng.
Giữa một thế giới đầy tranh chấp quyền lực, xin cho con sống công bằng với những bất hạnh của anh em.
Giữa một thế giới đầy những phe phái chia rẽ, xin cho con biết yêu thương thật tình.
Lạy Thiên Chúa là tình yêu trong suốt của mọi tình yêu, xin cho con thắm đượm tình yêu của Ngài, để đời sống của con luôn đem lại an bình và vui tươi cho những người con gặp gỡ. Xin cho con một trái tim rộng mở  để biết tha thứ và tha thứ thật tình. Xin cho con có cùng nhịp đập với Chúa để con biết thao thức với những nỗi khổ của anh em con, biết cảm thông với những khốn cùng của đồng loại. Để được tất cả xin cho con biết chết đi với con người của con, để con biết sống cho anh em con. Amen.  

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

BÊN NGOÀI VÀ BÊN TRONG

“Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Ðồ ngốc! Ðấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”(Lc 11, 40-41)

Người đông, giời ơi... chen
10-10, đêm hội nghệ thuật bế mạc đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, sân vận động Mỹ Đình đón một lượng khách kỷ lục. Nhìn những dòng người ùn ùn đổ về, chen chúc nhau, nhiều người chỉ có thể thốt lên: đông khủng khiếp.
Với sức chứa 40.192 chỗ, sân vận động lớn nhất cả nước trở nên quá nhỏ bé so với hàng trăm ngàn người đang tìm kiếm từng centimet để đặt chân. Nhiều người bị ép chặt vào hàng rào sắt, người sau một hồi chen chúc bị bật ra ngoài rìa. Không ít người tìm cách leo lên cây để tránh dòng người đông đúc xô đẩy nhau phía dưới.
Không nhiều người có được tấm vé vào bên trong sân xem biểu diễn nghệ thuật nhưng sẵn sàng đến sớm nửa ngày để “xí chỗ” xem bắn pháo hoa nghệ thuật. Ông Nguyễn Văn Tân ở Chí Linh (Hải Dương) cho biết: ông cùng với mấy ông bạn cùng xóm đã rủ nhau lên Hà Nội xem Đại lễ mấy ngày hôm nay. 
Suốt buổi chiều 10-10, nhóm của ông trải ni lông nằm nghỉ trên bãi cỏ gần sân vận động chờ xem bắn pháo hoa. Không chỉ có ông Tân, rất nhiều người ở các tỉnh thành cách xa Hà Nội đã dắt díu nhau về Hà Nội trong mấy ngày gần đây. Họ chấp nhận tình trạng không thuê được nhà nghỉ, trải chiếu ngủ trong công viên để tận mắt chứng kiến lễ hội “nghìn năm mới có một lần”.
Một số quán cà phê phía trước sân vận động Mỹ Đình cũng nhân cơ hội tăng giá đến chóng mặt. Một cốc cà phê bình thường chỉ có giá cao nhất là 15 nghìn đồng giờ được “hét” với giá từ 70 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng. Những chỗ có vị trí đẹp, sát lan can, cửa số ở tầng hai hoặc tầng ba còn có giá cao hơn thế. Theo giải thích của chủ quán là tiền cà phê bao gồm cả chi phí chỗ ngồi.
Dù không còn chỗ để chen chân nhưng dòng người vẫn ồ ạt đổ về sân vận động Mỹ Đình. Suốt từ đường Xuân Thủy đến ngã ba đường Phạm Hùng, lực lượng cảnh sát giao thông đã thiết lập rất nhiều hàng rào để giãn bớt số lượng người nhưng vẫn không ngăn được những người dân đang quá háo hức với không khí lễ hội. Bị cảnh sát chặn lại, nhiều người chấp nhận đi ngược chiều, len vào các ngõ nhỏ để ra sân vận động Mỹ Đình.
Suốt từ 16g chiều 10-10, các trục đường về sân vận động Mỹ Đình đã lâm vào tình trạng tắc nghẽn trầm trọng. Phía trên cầu vượt Mai Dịch còn bị người dân chiếm chỗ để đứng xem bắn pháo hoa, do vậy, việc lưu thông của các xe lớn dọc đường Phạm Văn Đồng ra đến cầu Thăng Long gần như bị ngưng trệ. Đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, cuối đường Hoàng Quốc Việt, đường đi Diễn, Nhổn, trục đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến đều bị tắc nghẽn. Lực lượng cảnh sát giao thông dù hoạt động hết công suất vẫn khó giải quyết được những chỗ tắc.
Ở các trục đường, các điểm trông giữ xe tự phát cũng mọc lên như “nấm”. Giá trông một chiếc xe máy ở bãi ngoài đường Phạm Hùng (cách sân vận động vài cây số) cũng hét giá 30 nghìn đồng. Càng vào sâu bên trong, giá trông giữ xe càng cao.
Rút kinh nghiệm từ các ngày lễ trước, lần này người dân đã chịu khó đi bộ đến dự lễ nhưng chỉ riêng lượng người đi bộ cũng đã lèn chặt các lòng đường, vỉa hè, bồn hoa của các con đường xung quanh sân vận động. Nhiều người than thở, lạc vào trong dòng người đó “đến một chút không khí để thở cũng không có, huống gì là di chuyển”. Cũng bởi tình trạng chen lấn, xổ đẩy, chèn ép mà không ít người dù chưa xem hết lễ hội đã ngất xỉu ngay trên đường đi.
Ghi nhận vào cao điểm, hàng chục người, cả thanh niên và phụ nữ bị ngất vì chen lấn, xô đẩy. Lượng người bên trong bị dồn nén chặt muốn thoát ra ngoài nhưng người bên ngoài lại cố lấn để vào sâu gây ra cả xô xát.
Theo thống kê trên hiện trường, có rất nhiều người bị ngất và bị giẫm đạp lên khi dòng người ra khỏi sân vận động Mỹ Đình. Ngay sau khi màn bắn pháo hoa kết thúc, hàng loạt xe cứu thương rú còi inh ỏi chạy vào khu vực đường Lê Đức Thọ và quảng trường trước sân vận động. Lực lượng cảnh sát giao thông đã phải rất vất vả để dọn đường cho xe đưa người đi cấp cứu kịp thời.
Phe “vé mời”
Chương trình nghệ thuật tối 10-10 hoàn toàn không bán vé, bởi vậy nhiều người lên kế hoạch “săn” một chiếc vé mời. Việc ngừng bắn pháo hoa ở 29 điểm trên địa bàn toàn thành phố cũng đẩy cơn “sốt” vé lên cao.
Từ trưa 10-10, trước sân vận động Mỹ Đình đã hình thành một đội ngũ “phe vé mời” lên tới cả chục người. Giá cả của những chiếc vé này cũng đủ loại, vé khán đài A lên tới gần 4 triệu/đôi, vé khán đài B xấp xỉ 3 triệu/đôi, vé khán đài C rẻ nhất cũng phải tới 1,5 triệu. Những người không thuộc diện “được mời” háo hức đi mua vé cũng phải lắc đầu vì giá vé cao ngất ngưởng.
M. Quang – T.Hoàng – N. Hà – H. Hương
(http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/404906/Thang-Long---Ha-Noi--nbspthanh-pho-rong-bay.html)

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là thế đó, cứ vất vả tìm kiếm những điều hào nhoáng bên ngoài, để rồi cả đời chỉ là hoài công, vì những thứ ấy không đem lại hạnh phúc cho chúng con.
Chúng con cứ ảo tưởng về mọi việc khổ sở vì không đạt được. Xin cho chúng con biết nhận ra thực tế của cuộc sống, để đừng tìm kiếm ảo ảnh phù vân mà luôn lấy Chúa là niềm vui và hy vọng. 
Xin cho chúng con nhận ra con người giới hạn của chúng con, để chúng con chúng con biết cậy trông nơi tình yêu và sự quan phòng của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con thường hay soi mình trong gương để rồi chúng con phải khổ, vì nghĩ mình là cái chi chi.
Xin cho chúng con khiêm tốn để quyền năng Chúa được tỏ hiện nơi con, và qua cuộc sống của con mọi người sẽ nhận biết Chúa. Amen. 

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

ĐƯỢC VÀ KHÔNG ĐƯỢC

Khi đám đông tụ họp đông đảo, Ðức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.

Nước mắt của bố…
TTO - "Bố không thương con, bố không thương con nữa phải không?". Con chạy ra khỏi nhà với đôi mắt nhoẹt nhòe nước. Trong tâm trí của con lúc ấy, mọi thứ dường như sụp đổ.
Con nghĩ bố không yêu thương con như ngày hôm qua. 
Rồi con đứng lại nơi ven đường. Bao nhiêu hình ảnh ùa về. Đó là bố của con từ ngày mới cùng mẹ vào Đắk Lắk lập nghiệp. Bố mẹ lam lũ biết bao nhiêu để bốn chị em có bát cơm manh áo. Đó là bố của con ngày chèo thuyền đưa chị em con đi học. Đó là bố của con những ngày tiễn chị, rồi con, rồi em con vào đại học…
Càng nghĩ con càng khóc nhiều hơn, nước mắt của con lúc ấy không phải là trách móc bố mà là yêu thương bố vô cùng. Con khóc vì tại sao lại cãi bố, sao lại vùng vằng nói với bố những lời không được phép?
Nhà mình nghèo, bố mẹ rất cố gắng cho bốn chị em được ăn học đàng hoàng. Chị em con cũng không làm cho bố mẹ phải buồn khi lần lượt ba đứa đều đậu đại học. 
Nhà có bốn chị em nhưng ba người vào Sài Gòn học, mẹ đi làm ở xã từ sáng tới tối mới về, em út học phổ thông cũng không ở nhà bao nhiêu, trong nhà chỉ còn lại mình bố. Con thương bố mỗi ngày chỉ có một mình lủi thủi với vườn tược. Nhiều khi nghĩ về bố ở nhà con lại khóc. Và con vẫn luôn cố gắng những khi rảnh để về nhà ở bên bố.
Thế mà hôm nay con lại cãi nhau với bố vì chuyện không đâu. Cũng tại vì trước tới giờ con luôn được bố cưng chiều nên khi nghe bố nói với con những lời khang khác một tí thì con đã giãy nảy lên, khóc rồi nói bố không thương con nữa. Con đã sai phải không bố?
Đứng bơ vơ giữa đường tối om, con chợt thấy mình có lỗi với bố vô cùng và con chạy về. Bố nằm trên giường, quay lại, nhìn con, và bố khóc. Lần đầu tiên trong đời con thấy bố khóc. Ngay cả ngày bà nội mất con cũng chỉ nhìn thấy đôi mắt bố ráo hoảnh. Con biết mình đã làm cho bố buồn rất nhiều nhưng lại không thể nào nói được “con xin lỗi”. Bố ôm lấy con và khóc, cả hai bố con cùng khóc. Con nghe thấy tiếng bố nói nghèn nghẹn trong cổ: “Bố chưa khi nào hết thương con cả”.
Bố của con à! Những lời yêu thương con không thể nào nói trực tiếp với bố, nhưng trong lòng con và chị em con tình yêu dành cho bố mẹ không bao giờ đếm hết. Cảm ơn cuộc đời cho chúng con là con của bố mẹ, cảm ơn bố mẹ đã nuôi nấng và cho chúng con một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể. Cho dù chúng con có làm gì sai, bố mẹ vẫn luôn sẵn sàng tha thứ và đón nhận chúng con phải không?
Và một điều nữa con muốn nói: con xin lỗi bố! Cuộc đời bố dành hết cho chị em con, con xin lỗi vì một lúc nhất thời con làm cho bố phải buồn và khóc. Con xin lỗi con không bao giờ muốn bố mẹ phải buồn và sẽ cố gắng không bao giờ để điều đó xảy ra nữa…
MỸ QUỲNH
(http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/382335/Nuoc-mat-cua-bo%E2%80%A6.html)

Nhiều lúc trong cuộc đời ta đã lãng quên ơn người, những điều trái ý hay những cung giọng khác thường dễ làm ta phật lòng và nghĩ là ta không được yêu thương nữa. Những điều ta xin mà không được ta cũng là mình hết được thương. Sao ta lại nghĩ như thế nhỉ??? "Có người mẹ nào mà lại quên con mình?" hay con mình xin con cá mà lại cho con rắn? Chắc hẳn là không phải như thế! Điều mà Cha Mẹ luôn mau ước và muốn con mình được hạnh phúc.
Lạy Chúa, với trái tim của người Cha và đôi tay của người mẹ, Chúa biết điều nào là cần thiết cho con, điều gì đem lại lợi ích cho con. Lạy Chúa, con xin lỗi Chúa vì những lần con trách Chúa không thương con, con càm ràm và phân bì với những ân huệ của chị em con, mà con quên rằng cả cuộc đời con được bao phủ bởi tình thương và ân huệ của Chúa. Xin Chúa tha thứ cho con. Những lần con chậm cám ơn Chúa, không phải con quên mà con nghĩ điều đó đương nhiên phải có. Xin tha thứ cho con. Con biết những lần con ứng xử như thế sẽ làm Chúa buồn nhưng mỗi lần xin lỗi là con lại nhận được biết bao ơn lành của Chúa. Chúa ơi, xin hãy tha thứ cho con Chúa nhé!!! Ngàn lần tri ân tình Chúa.



BIẾT ƠN VÀ TẠ ƠN

"Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn." (Lc 17, 19)

Chú cảm ơn nụ cười của con
Thương tặng bé Ti
TTO - Chú và con giống nhau ở điểm chẳng ai mong muốn: từ nhỏ đã không được sống gần ba. Ba mẹ con ly dị, con ở với mẹ và ông bà ngoại. Còn chú, ba bỏ đi, chú sống với mẹ và ngoại qua hết những năm tháng tuổi thơ cho đến lớn. 
Chính điểm chung này mà chú có cảm tình với con ngay lần đầu tiên gặp mặt. Chú thích cái tên bé Ti - tên thường gọi của con - vì nó cho thấy sự nhỏ bé như chính con vậy. Con nhỏ bé quá! Mới 5 tuổi đầu con đã phải chịu sự thiếu thốn tình cảm của ba. Tất nhiên, ông bà ngoại con có bù đắp cho con, thương yêu con, và mẹ con có dành dụm hết mọi thứ cho con thì chú nghĩ thiếu ba cũng là một nỗi buồn. Chú hiểu vì chú từng kinh qua điều ấy!
Phải chăng vì vậy mà con ít nói, đôi mắt con thường nhìn xa xăm. Nhiều người bảo “bé Ti đáng thương” và chắc cũng không ít người bàn ra tán vào chuyện ba mẹ con chia tay nhau!
Điều đó phải chăng ít nhiều cũng tạo ra ánh nhìn xa xăm và đôi mắt buồn của con? Chú không biết nữa nhưng ngẫm nghĩ về mình ngày xưa, chú thấy mình “già” hơn những người bạn cùng trang lứa, bởi ngay từ nhỏ chú đã nghe rất nhiều lời đàm tiếu. Đến bây giờ chú mới nhận ra hình như khi con người có nhiều biến cố, khổ đau thì đó chính là chất liệu để suy nghiệm nhiều hơn về cuộc đời, về những nỗi khổ quanh mình. Chú không biết con đang nghĩ gì và có bắt đầu suy nghĩ gì chưa nhưng chú thấy con vắng nụ cười quá. Chú lo là con sẽ giống chú: trải qua một thời gian dài trầm tính, khép kín…
Bé Ti là cháu một người bạn của chú. Khi thăm nhà người bạn ấy, chú tình cờ gặp bé Ti và cả ba cùng đi dạo biển Nha Trang. Chú đã nghĩ ra cách này, cách kia để con chơi với chú (dù lúc đầu cả hai chú cháu rất e dè, vì đều là… lần đầu gặp mặt). Nào là chạy giỡn cùng sóng, hay chơi trò “cặp kè ăn muối mè ngồi xuống đất, ăn rau muống đứng dậy”…
Con chạy loanh quanh với chú trên bãi biển buổi sớm mai. Cô con - cũng là bạn của chú - đã nhìn con cười thật tươi và ghi lại những hình ảnh dễ thương của hai chú cháu. Cô con bảo: “Lâu rồi chưa thấy bé Ti vui như vậy!”. Nhận xét ấy làm chú cũng vui lây vì đã mang đến cho con một nụ cười thật tươi, hồn nhiên như chính lứa tuổi của con.
Mà chú phải nói thật điều này nhé, bé Ti cười đẹp lắm đó! Chú nói đùa với cô con rằng: “Nụ cười này mai mốt sẽ làm xiêu lòng nhiều anh chàng lắm đây!”. Cả hai cười vang trong sự ngơ ngác của con. Đùa vậy thôi nhưng chú mong con luôn có nhiều niềm vui như thế, để nụ cười luôn tươi nở trên môi con. Chơi với con trong vòng một ngày mà chú đã có mong ước về “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Con 5 tuổi, cũng có thể làm con của chú được mà, Ti nhỉ!
Chú cảm ơn con, cảm ơn nụ cười và buổi sáng mùa xuân hôm ấy hai chú cháu mình vui thật vui trên biển và con đã đánh thức khát khao gia đình trong chú - khao khát tưởng đã lụi tàn sau những cuộc tình tan vỡ và ám ảnh của ký ức tuổi thơ khó nhọc…
KHÔI
(http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/365580/Chu-cam-on-nu-cuoi-cua-con.html)

Một lần Tạ ơn là hai lần nhận lãnh ân huệ. Vậy sao ta lại ngại nói lời cám ơn? Hơn nữa trong cuộc của ta, ta nhận được ơn từ nhiều người : Gia đình, bạn bè, hàng xóm, Giáo xứ, Hội Dòng, những người cùng chí hướng...và biết bao nhiêu người ta gặp gỡ trong đời. Nhờ ân huệ ấy mà niềm tin ta được bày tỏ và lớn lên. Sao ta lại bỏ qua lời cám ơn? Chính những người ấy sẽ giúp cuộc sống ta nên Thánh.Thế sao ta lại cằn nhằn, phiền toái khi bị quấy rầy hay khó chịu khi bị hiểu lầm. Thậm chí, tôi muốn thấy người anh em tôi xuất hiện trong cuộc sống của tôi. Cách ứng xử như thế đã vô tình làm tôi trở thành con người vô ơn : "Không ai là một hòn đảo"
Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn khiêm tốn để con luôn nhận ra ân huệ của Chúa trong cuộc đời con. Những gì con làm được là ân ban của Chúa và sự trợ giúp của nhiều người, để con luôn biết sống tâm tình biết ơn và tạ ơn bằng chính cuộc sống của con. Amen.



TIN

Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông (Lc 11, 20)

 
Bước đi diệu kỳ
TTO - Với những gia đình khác, những bước đi đầu tiên của một đứa trẻ là niềm vui sau một năm dài mong đợi. Thế nhưng, với ba mẹ, những bước đi đầu tiên của con thật diệu kỳ!
Vào tháng thứ 5 của thai kỳ, mẹ con dường như ngất đi khi bác sĩ thông báo kết quả siêu âm dị tật của thai nhi: bé bị động kinh và sẽ phát triển chậm hơn những đứa trẻ bình thường khác, do đó, người mẹ cần xem xét đến việc chấm dứt thai kỳ!
Ba mẹ thao thức bao đêm: nếu chấm dứt thai kỳ thì thương cho con quá, một đứa con mới vừa tượng hình lại phải rời bỏ cuộc đời khi chưa kịp nhìn thấy ánh nắng mặt trời, chưa kịp nhìn thấy cuộc sống xinh đẹp xung quanh. Thế nhưng, nếu để con sinh ra thì liệu sau này cuộc sống con thế nào, có bị tổn thương khi nhận thức được bản thân mình không?
Quyết định thật nan giải!
Ba mẹ tìm đến những giáo sư, bác sĩ nổi tiếng để được tư vấn và tìm hiểu về sự phát triển của một đứa trẻ bị động kinh. Rồi ba mẹ cũng tìm đến Trung tâm bảo trợ xã hội và những gia đình có cùng hoàn cảnh để gặp trực tiếp những người có bệnh như con. Những người bệnh đều phát triển, chỉ có khác là sự phát triển này rất chậm, chậm hơn vài năm so với những người bình thường và việc chăm sóc người bệnh thật vất vả.
Sau khi tìm hiểu kỹ, ba mẹ quyết sẽ chăm sóc tốt và bù đắp cho con những thiệt thòi mà con gánh chịu!
Ngày con sinh ra, ông bà nội, các cô chú đều có mặt (vì xa cách nên không có bên ngoại). Trông con bụ bẫm, đôi mắt còn thiêm thiếp như một thiên thần, mọi người đều ngân ngấn nước mắt. Con đã có mặt trên cõi đời này rồi Tonny ơi!
Những tháng đầu, việc chăm sóc con cũng giống như chăm sóc những bé sơ sinh khác. Càng về sau thì càng vất vả, nhất là những lúc con bộc phát bệnh. Thế nhưng ba mẹ đã chuẩn bị sẵn tâm lý cũng như điều kiện nên mọi thứ cũng dần ổn cả.
Con lớn lên trong tình thương của ba mẹ. Con 2 tuổi, 3 tuổi rồi 4 tuổi, 5 tuổi nhưng vẫn như là một em bé 1 tuổi: chưa biết đi, chưa biết nói. Con hiểu những điều ba mẹ nói nhưng lại không diễn đạt được ý của mình, tiếng u, ơ thay cho câu trả lời.
Con cũng được đến trường học như những bạn bè khác. Ở trường, con được các cô chăm sóc rất chu đáo: được tập nói, được tập đi… Mỗi sáng, con chỉ vào cái balô to đùng và u ơ đòi đi học. Đến cuối tuần thì con chờ nghe điện thoại của ông bà nội, cứ có điện thoại là con ngỡ của ông bà nội rồi con lại u ơ đòi về nội.
Rồi con được 7 tuổi. Càng lớn con càng phổng phao, trắng hồng và tuấn tú hơn. Con bập bẹ gọi: ba ba, ma ma. Mỗi từ con phát âm ra xoa dịu bao vất vả của ba mẹ!
Khi con bước sang tuổi thứ 8, ba mẹ rất nôn nóng mong cho con mau biết đi. Thật ra, lúc này con đã nặng lắm rồi (nặng khoảng 30kg). Mỗi khi mẹ bồng con, ba rất thương mẹ. Nếu không có tình mẫu tử thiêng liêng thì có lẽ khó ai có thể bồng một đứa bé như vậy từ ngày này qua ngày nọ, từ năm này qua năm nọ!
Và rồi, niềm mong đợi của ba mẹ được đáp đền! Con chập chững bước được vài bước! Chỉ vài bước thôi mà sao ba mẹ thấy như con bước được cả chặng đường dài. Con bước đi trong những giọt nước mắt hạnh phúc của ba mẹ.
Tám năm trôi qua. Tonny ơi, những bước đi của con thật diệu kỳ!
Colorado, Mỹ - tháng 1-2010
BA TÍ, MẸ LÝ
(http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/364022/Buoc-di-dieu-ky.html)

Có lẽ việc Chúa trừ quỷ hôm nay như một việc kỳ diệu của những bước đi đầu đời, nên đã khiến cho nhiều người sửng sốt. Nhưng sâu xa hơn là ở niềm tin của mỗi người chúng ta: "Gần chùa gọi bụi bằng anh", "Gần quá hóa quen", cũng như người ta nói với Chúa Giêsu: "Ông ta là con bác thợ mộc, mẹ là bà maria". Những suy nghĩ như thế đã đẩy họ xa dần ân sủng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, nhiều lúc trong cuộc đời chúng con đã kém tin vào Chúa, những việc chúng con làm được chúng con tự cho đó là công sức của chúng con, mà quên : "Không có ơn Thiên Chúa, ta không làm được gì. Không có ơn Thiên Chúa ta chẳng làm được chi" Xin cho chúng con khiêm tốn đón nhận những giới hạn của mình để luôn được lớn lên trong ân huệ của Chúa. Amen.